Dịch vụ rửa xe, bơm vá, phun sơn… đều cần đến máy nén khí. Tuy nhiên, vấn đề quản lý các loại bình khí này ở khu dân cư lâu nay bị xem nhẹ…
Thời gian qua, tại một vài điểm dịch vụ có sử dụng bình nén khí đã xảy ra sự cố nổ, gây bất an cho người dân. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều điểm kinh doanh dùng máy nén khí khá phổ biến.
Tiềm ẩn nguy cơ phát nổ
Anh Vũ Viết Hùng (32 tuổi) hành nghề bơm vá xe đạp, xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Ái Quốc, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) từ 8 năm nay. Anh cho hay, tuổi nghề của anh và tuổi đời của chiếc máy nén khí dùng để bơm xe là ngang nhau. Vì chiếc máy này đã “già nua” nên lúc nào anh Hùng cũng điều chỉnh áp suất cao hết kim đồng hồ. Theo anh Hùng, để áp suất cao thì lúc bơm vỏ xe cho khách mới nhanh đầy hơi được. Khi được hỏi, máy nén khí cũ kỹ như vậy thì quá trình sử dụng liệu có an toàn; anh Hùng trả lời một cách chủ quan: “Chẳng việc gì đâu”.
Tương tự, anh Thời, chủ tiệm vá xe máy trên đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), cho biết đã hành nghề sửa xe cách đây 5 năm. Do không có vốn lớn nên anh Thời phải mua lại chiếc máy nén khí cũ do Trung Quốc sản xuất. Khi đem máy về, anh Thời chỉ lau chùi sơ qua rồi sử dụng. Đã có lần máy hỏng van, hỏng đồng hồ, đứt ống dẫn hơi… anh mua đồ về tự sửa rồi lại dùng tiếp. “Đương nhiên máy cũ không an toàn bằng máy mới, nhưng vì không có điều kiện đành phải chấp nhận thôi. Thực ra, mỗi lần bơm xe cho khách tôi cũng lo, chỉ khi nào mua được máy mới thì mới an tâm” – anh Thời nói.
Ngay ngã tư đường Võ Thị Sáu – Hà Huy Giáp (thuộc phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) có một tiệm vá xe mà chiếc máy nén khí của ông chủ tên H. xứng đáng xếp vào loại có một không hai. Ông H. “khoe”, chiếc máy nén khí được ông tự chế cách đây 20 năm. Máy này bơm được các loại xe 2 bánh, thậm chí cả xe du lịch. Máy nén khí của ông H. được tận dụng từ bình nóng lạnh cũ, cùng mô tơ được lấy trong tủ lạnh. Ông H. cho biết, mỗi lần cắm điện xạc hơi thì phải canh chừng, khi nào van an toàn bung ra thì tắt, chứ không có đồng hồ đo áp suất. Nói về nguy cơ nổ bình nén khí tự chế, ông H. cho rằng xài lâu rồi nhưng ông chưa thấy máy có triệu chứng gì khác thường.
Quản lý lỏng lẻo
Quyền Chánh thanh tra Sở Lao động – thương binh và xã hội Mai Thị Tuyết cho rằng, rất khó để thực hiện thanh kiểm tra các loại máy nén khí ở khu dân cư. Theo bà Tuyết, ngay cả trong doanh nghiệp, đôi khi việc kiểm tra cũng khó thực hiện vì cán bộ thiếu. Nếu áp dụng mức phạt tối đa 20 triệu đồng cho việc thiếu các điều kiện an toàn theo quy định thì càng khó, vì người sử dụng sẵn sàng bỏ máy nén khí đáng giá vài ba triệu đồng (sau khi bị tịch thu) chứ không đóng phạt…
Máy nén khí được xếp vào danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình sử dụng. Các thiết bị này trước khi đưa vào sử dụng phải được cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp giấy phép, đồng thời người vận hành cũng phải qua thời gian tập huấn kỹ thuật, cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, vấn đề này lâu nay chỉ được thực hiện trong các doanh nghiệp. Riêng tại địa bàn dân cư, các điểm kinh doanh có sử dụng máy nén khí chưa được cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra. Dó đó, nguy cơ xảy ra sự cố nổ từ loại máy này là rất lớn.
Phường Tân Biên (gần Công viên 30-4, TP.Biên Hòa) là nơi tập trung nhiều cửa hàng chuyên bán các loại máy nén khí. Trong đó, ngoài một số máy mới có không ít loại đã qua sử dụng, được chủ tiệm “mông má” lại. Anh Văn Hảo, một chủ tiệm kinh doanh ở khu vực này thổ lộ, các loại máy nén khí anh bán xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc với nhiều kích cỡ khác nhau. Khi nghe hỏi trên máy không có in tiếng Việt chỉ dẫn, làm thế nào để biết được chỉ số an toàn, chủ tiệm này trả lời rất cảm tính: “Loại nào bán chạy là loại đó… an toàn”.
Hiện nay. việc kiểm tra các loại máy nén khí trong doanh nghiệp được nhiều đơn vị tiến hành, như: Thanh tra Sở Lao động – thương binh và xã hội, Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy… Tuy nhiên thời gian qua, việc quản lý, kiểm tra các cơ sở mua bán, sử dụng loại máy này ở khu dân cư bị bỏ ngỏ.
Tổng hợp